Sáng ngày 23/11/2017, tại phòng họp số 04, Viện Nuôi trồng Thủy sản đã chủ trì tổ chức buổi seminar khoa học với Đoàn công tác ĐH Hải Dương, Đài Loan (NTOU) nhằm trao đổi, giới thiệu những kết quả nghiên cứu về lĩnh vực nuôi trồng thủy sản (NTTS) ở Việt Nam và Đài Loan hiện nay.
Tại đây, các đại biểu đã nghe và thảo luận những báo cáo chuyên đề về: Công nghệ NTTS "thông minh và chính xác"; Nghiên cứu đá tai cá ở Đài Loan; Đặc tính sinh trưởng và các thông số huyết học của cá hồi vân Oncorhynchus mykiss sử dụng thức ăn có bổ sung carotenoprotein ở các mức khác nhau từ phụ phẩm chế biến tôm chân trắng Litopenaeus vannamei ở Việt Nam; Di truyền và chọn giống trong NTTS - Nghiên cứu điển hình về nuôi bào ngư ở Đài Loan và Trung Quốc; Sự thích nghi, duy trì và nuôi sinh khối tảo Spirulina platensis trong môi trường nước biển.
Các báo cáo đã trình bày những kết quả những nghiên cứu mới, có giá trị lý luận và thực tiễn quan trọng trong lĩnh vực NTTS. Đặc biệt, trong bối cảnh sản lượng khai thác thủy sản toàn thế giới những năm gần đây có xu hướng "chững" lại, trong khi, nghề NTTS chính là nguồn cung cấp sản phẩm thủy sản chủ yếu, nhưng lại đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ, đe dọa đến sự phát triển bền vững.
Kết quả nghiên cứu mà các nhà khoa học Việt Nam và Đài Loan đạt được đã mở ra nhiều triển vọng mới cho sự phát triển ngành NTTS: Công nghệ nuôi trồng thủy sản “thông minh và chính xác”, được ví như công nghệ 4.0, với việc sử dụng hệ thống điều khiển tự động trong quản lý môi trường, quản lý sức khỏe và phòng trị bệnh động vật nuôi, v.v… giúp nâng cao năng suất lao động đồng thời duy trì sự phát triển bền vững ngành công nghiệp NTTS; Nghiên cứu về đá tai cá cho thấy, phương pháp này không chỉ dùng xác định tuổi và giai đoạn phát triển ở cá mà còn đánh giá sự di cư và cấu trúc của các quần đàn cá trong tự nhiên; Cá hồi vân được cho ăn thức ăn chứa 5% carotenoprotein chiết suất từ phụ phẩm chế biến tôm biểu hiện sự tăng trưởng khối lượng, chiều dài và các thông số huyết học cao hơn cá ở các nghiệm thức cho ăn 0,1 và 3% carotenoprotein; Tảo spirulina platensis vốn là loài tảo nước ngọt với giá trị dinh dưỡng cao, có khả năng thích nghi và có thể nuôi sinh khối trong môi trường nước biển.
Một số hình ảnh tại buổi seminar
Buổi seminar khoa học được tổ chức không chỉ giúp cho giảng viên, sinh viên hai trường có cơ hội trao đổi học thuật, chia sẻ kinh nghiệm trong nghiên cứu, giảng dạy và học tập, mà còn mở ra khả năng hợp tác sâu, rộng trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học giữa hai trường.
Các đại biểu tham dự buổi seminar