Đoàn cán bộ Ban biên tập báo cáo Logistics 2020 gồm 10 thành viên do ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu Bộ Công Thương làm trưởng đoàn. Phía Trường ĐH Nha Trang có đại diện phòng Hợp tác Đối ngoại, Đào tạo Đại học, đại diện các Khoa Kỹ thuật Giao thông, bộ môn Kinh tế Thương mại và bộ môn Hàng hải.
Trong chuyến công tác lần này, Ban biên tập báo cáo Logistics 2020 muốn tìm hiểu thêm thông tin về nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực logistics tại các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ hiện nay và kế hoạch của Trường ĐH Nha Trang trong việc đào tạo nhân lực ngành này, đáp ứng nhu cầu về lao động của xã hội. Tại buổi làm việc, đại diện Trường ĐH Nha Trang đã trình bày về các hoạt động của Nhà trường trong việc đào tạo liên quan đến logistics như bộ máy tổ chức, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, các thuận lợi, khó khăn và việc hợp tác với các Trường khác trong đào tạo về Logistics.
Các thành viên trong ban biên tập báo cáo logistics 2020 tán thành việc Nhà trường hướng tới đào tạo chuyên ngành về logistics với hướng cân bằng giữa yếu tố kỹ thuật và dịch vụ trong chương trình đào tạo. Đến tháng 12/2019, cả nước có 26 trường mở ngành và chuyên ngành đào tạo bậc đại học về logistics, tuy nhiên tập trung ở khu vực phía Bắc và phía Nam. Vì thế, việc Trường ĐH Nha Trang xây dựng đào tạo ngành học này là hết sức cần thiết, đáp ứng nhu cầu nhân lực tại khu vực. Các thành viên của ban biên tập cũng đưa ra những góp ý cho kế hoạch thực hiện đào tạo chuyên ngành này của Nhà trường như bổ sung thêm các môn đại cương về kinh tế vào chương trình đào tạo để sinh viên có nền tảng về kinh tế, có thể tiếp cận tốt các môn chuyên ngành về logistics; nghiên cứu thêm các học phần về các hình thức vận tải khác bên cạnh vận tải biển. Việc xây dựng chương trình đào tạo các ngành học vể ligistics cũng cần được thực hiện trên cơ sở đối chiếu với nhu cầu tế về nhân lực của các doanh nghiệp, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này.
Hiện nay, Trường ĐH Nha Trang đang xây dựng kế hoạch đào tạo chuyên ngành Quản lý hàng hải & Dịch vụ logistics, với nội hàm là 50% Quản lý kỹ thuật hàng hải và 50% Dịch vụ hàng hải và logistics. Mục tiêu hướng tới của chương trình đào tạo ngành học này là đào tạo ra lượng nhân lực làm việc trong ngành logistics vừa nắm rõ các yếu tố kỹ thuật và thành thạo trong việc quản lý và cung cấp dịch vụ. Việc hướng tới mở ngành đào tạo này được đánh giá là cần thiết và phù hợp, đáp ứng nhu cầu về nhân lực ngành logistics ở khu vực Nam Trung Bộ và trên cả nước hiện đang rất cao.