Giáo sư Ove Hoegh - Guldberg, Giám đốc Viện Nghiên cứu về Thay đổi toàn cầu, Đại học Queensland, Australia đến thăm và làm việc tại Trường ĐH Nha Trang từ ngày 28/3 - 02/4/2016.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, từ ngày 29 - 30/3, giáo sư Ove Hoegh - Guldberg đã trao đổi chuyên đề về “Biến đổi khí hậu và đại dương” với các nội dung chính: Đại dương và những biến đổi về vật lý, hóa học của nó trước sự gia tăng của hiệu ứng nhà kính; Phản ứng của các loài sinh vật, hệ sinh thái biển trước sự ấm lên và acid hóa đại dương; Rạn san hô, sự ấm lên và acid hóa đại dương - những tác động, sự thích ứng và lựa chọn; Biến đổi khí hậu (BĐKH), con người và hệ sinh thái biển - những lựa chọn thích ứng và giảm thiểu. "Việc duy nhất con người có thể làm để ngăn chặn các nguy cơ là cắt giảm mạnh lượng khí thải carbon - nguyên nhân chính dẫn tới axít hóa nước biển và khiến nhiệt độ nước biển tăng cao..." - giáo sư Ove Hoegh - Guldberg cho biết.
Giáo sư Ove Hoegh - Guldberg trao đổi chuyên đề về “Biến đổi khí hậu và đại dương”
Giảng viên, học viên tham dự
Ngày 31/3, giáo sư đã trao đổi học thuật với giảng viên nữ Nhà trường và học viên chương trình cao học quốc tế NORHED về chủ đề "How to write a research project proposal" - Cách viết đề cương đề tài nghiên cứu khoa học.
Giáo sư trao đổi học thuật
Giảng viên và học viên tham dự
Biến đổi khí hậu đã, đang và sẽ tiếp tục gây những hậu quả nghiêm trọng đối với các quốc gia trên thế giới, ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội, nhất là nông, lâm, ngư nghiệp và đời sống của người dân ở nông thôn, các vùng ven biển. Vì vậy, nhận thức, hiểu biết về BĐKH và những ảnh hưởng của nó là cơ sở quan trọng để đề ra các biện pháp ứng phó phù hợp. Các buổi trao đổi chuyên đề của giáo sư đã góp phần nâng cao nhận thức và kiến thức cho giảng viên, học viên về BĐKH cũng như tác động của BĐKH. Ngoài ra, với kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu, giáo sư đã chia sẻ cách thức tìm ý tưởng nghiên cứu hay, phương pháp viết đề cương nghiên cứu hiệu quả.